Searching...
Thứ Ba, 22 tháng 12, 2015

Warren buffett - Nhà hiền tài xứ Omaha


1. Tài năng bẩm sinh:

Warren Edward Buffett sinh ngày 30 tháng 8 năm 1930 tại Omaha, tiểu bang Nebraska, Hoa Kỳ. Khi chỉ là một cậu bé con, ông đã thể hiện năng khiếu đáng ngạc nhiên về cả đầu tư tiền và kinh doanh. Những người quen kể lại rằng ông có khả năng kì lạ trong việc nhẩm tính những dãy số trong đầu – một khả năng mà Warren tiếp tục làm ngạc nhiên đồng sự sau này.
Năm 11 tuổi, cậu bé Warren đã mua 3 cổ phiếu của Cities Service với giá $38 một cổ phiếu cho bản thân và chị gái Doris. Không lâu sau đó, giá cổ phiếu giảm xuống 27 USD. Hoảng sợ nhưng không nản lòng, Warren giữ cổ phiếu cho đến khi nó tăng bật lại với giá 40$. Ngay lập tức, cậu bé đã bán nó – một sai lầm mà cậu sớm phải hối tiếc: Cities Service đã tăng tới $200. Nhà tỷ phú Warren Buffett đã nhận bài học đầu tiên về đầu tư vốn dài hạn trong đời: kiên nhẫn là một thói quen tốt.
Năm học lớp 10, Buffett đã tích được 2.000 đô la từ việc bán báo (một số tiền không nhỏ vào những năm 1940). Với số tiền thu được, ông đã trích ra 1.200 đô la để mua một trang trại 16 hecta ở Nebraska. Buffett đang sống ở Washington D.C và không thích lao động chân tay nên ông đã thuê một tá điền chăm sóc mảnh đất. Ở trường, những sinh viên giới thiệu Warren Buffett đến từ Nebraska, ông chủ một trang trại.

Sau khi tốt nghiệp cao đẳng, Buffett nộp đơn vào trường kinh doanh Harvard. Với một sự hiểu biết sâu rộng về chứng khoán, ông tin chắc rằng mình sẽ được nhận. Tuy nhiên, trường Harvard đã từ chối. Song điều đó không khiến ông quá thật vọng. Trong khi tìm kiếm sự lựa chọn thay thế, Buffett đã khám phá ra thần tượng của mình là Benjamin Graham đang dạy ở trường Columbia. Năm 1950, ông bắt đầu xin học ở đây và đặt mối quan hệ chí cốt lâu dài với Graham.

2. Thành công bắt nguồn từ những đam mê và những nỗ lực phi thường:

Ben Graham, Giáo sư giảng dạy trường ĐH Columbia nơi Warren học là một nhà đầu tư nổi tiếng trong suốt những năm 1920. Khi 40 tuổi, Ben Graham phát hành cuốn “Security Analysis” ( Phân tích chứng khoán) một trong những cuốn sách nổi tiếng về thị trường cổ phiếu. Thời gian đó, đầu tư cổ phiếu thất thường và quá nhiều rủi ro giống như một trò đánh bạc. Chỉ trong khoảng 3, 4 năm sau thời kì khủng hoảng 1929, chỉ số Dow Jone giảm từ 381.17 xuống 41.22. Thời điểm này, Graham bước vào với nguyên tắc của giá trị kinh doanh “thực chất”- một tiêu chuẩn để đánh giá giá trị thực của doanh nghiệp. Sử dụng nguyên tắc này, những nhà đầu tư có thể quyết định cái nào làm nên giá trị của công ty và có những quyết định đầu tư theo đó. Ben Graham trở thành thần tượng của chàng trai trẻ Warren.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Warren trở thành nhân viên môi giới ở quê nhà. Tuy nhiên khác với các nhà môi giới khác, định kỳ ông gửi ý tưởng kinh doanh tới Ben Graham. Sau khi đều đặn nhận thư từ Warren, cuối cùng Ben Graham đã gọi điện và mời Warren tới làm việc. Trong thời gian này Buffett ngồi cả ngày nghiên cứu những bản tin S&P, tìm kiếm những cơ hội đầu tư. Tuy nhiên, sự khác nhau về quan điểm đầu tư giữa Graham và Buffett bắt đầu bộc lộ rõ. Warren bắt đầu quan tâm tới việc một công ty hoạt động như thế nào – cái mà khiến công ty đó nổi bật so với những đối thủ cạnh tranh. Ben đơn giản chỉ muốn những con số. Ngược với Warren quan tâm nhiều tới cung cách quản lí của công ty như một nhân tố quan trọng khi quyết định đầu tư, Graham chỉ nhìn vào bản quyết toán và tình hình thu lợi nhuận.
Trong khoảng từ năm 1950 tới 1956, Warren gây dựng được số vốn lên tới $140,000 từ $9,800 ban đầu. Năm 1956, Warren Buffett chung vốn với một số người lập nên công ty cổ phần hữu hạn Buffett Associates, Ltd. Trong khoảng 5 năm tiếp theo, công ty của Buffett đạt được một tỷ lệ lợi nhuận đáng kinh ngạc: 251.0%, trong khi chỉ số Down Jone chỉ tăng 74.3%. Tiếng tăm của Buffett bắt đầu nổi như cồn. Năm 1962, công ty đã có số vốn vượt mức 7,2 triệu USD với mức phí môi giới là 25% của lợi nhuận thu được trên 4%. Ông cũng có hơn 90 cộng sự trên khắp nước Mỹ. Ông biến công ty thành một thực thể đơn giản hơn với tên gọi “Buffett Partnerships Ltd.’, tăng mức đầu tư tối thiểu tới 100.000 USD, và mở một văn phòng ở Kiewit Plaza trên phố Farnam. Năm 1969, ông giải thể công ty hợp danh, tập trung vào Berkshire Hathaway và vực công ty từ chỗ còn yếu kém thành một tập đoàn đầu tư hàng đầu có tỷ suất lợi nhuận gần như là không tưởng. Biệt tài của ông là nhìn thấy tiềm năng của những công ty chưa được đánh giá đúng mức và đầu tư vào nó. Ngoài Berkshire Hathaway, ông còn có cổ phần ở Coca-Cola, American Express, Walt Disney hay Gillette hoặc những công ty nho nhỏ cỡ Geico hay General Re.

3. Lối sống tiết kiệm và giản dị:

Dù là một trong những người giàu nhất thế giới nhưng Buffett chỉ muốn sống một cuộc đời giản dị mà hạnh phúc. Hiện tại, Buffett vẫn sống trong ngôi nhà 31.500 USD (tương đương khoảng 250.000 USD ngày nay), ông mua cách đây hơn 50 năm ở Omaha, Nebraska (Hoa Kỳ) và ông chỉ sở hữu căn nhà này chứ không có nhiều nhà hay biệt thự như các tỷ phú khác. Căn nhà có diện tích 610m2, một diện tích không phải là nhỏ nhưng so với các tỷ phú khác, nó chỉ là một căn nhà nghỉ dưỡng. Khi được hỏi nguyên nhân vì sao ông không đầu tư vào một căn biệt thự lớn cho phù hợp với độ giàu có của mình, ông nói: “Ở đó, tôi cảm thấy hạnh phúc. Tôi sẽ chuyển đi nếu tôi cho là mình sẽ hạnh phúc hơn ở một nơi khác. Làm sao mà tôi có thể cải thiện được cuộc sống của mình bằng cách có 10 ngôi nhà khắp thế giới. Nếu muốn trở thành một người quản lý nhà cửa, tôi sẽ làm nghề đó, nhưng tôi không muốn quản lý 10 ngôi nhà và cũng không muốn ai đó phải làm giúp mình công việc như thế…”. Buffett từng gọi căn nhà này là khoản đầu tư lớn thứ ba mà ông từng “rót vốn” vào, sau hai chiếc nhẫn cưới. Theo Buffett, ngôi nhà của ông thật tuyệt vời. “Tôi cảm thấy ấm áp trong mùa đông, mát mẻ vào mùa hè. Ngôi nhà thật tiện lợi đối với tôi. Tôi không nghĩ là mình sẽ có một ngôi nhà tốt hơn thế”. Warren tự lái xe và không thuê vệ sĩ. Ông chưa bao giờ đi bằng máy bay riêng, mặc dù ông sở hữu một hãng máy bay tư nhân lớn nhất thế giới. Buffett không mang theo điện thoại di động, cũng không có máy vi tính trên bàn. Ông luôn nhấn mạnh: “Những người hạnh phúc nhất không cần thiết phải có những thứ tốt nhất. Họ chỉ đơn giản thưởng thức những thứ họ có”.

Nói về cách tiết kiệm tiền, Warren Buffett đã có những câu nói bất hủ như: “Không nên tiết kiệm những khoản còn lại sau chi tiêu, mà hãy tiêu những khoản còn lại sau khi tiết kiệm”. Ông khuyên giới trẻ hãy vạch ra cho mình một kế hoạch chi tiêu hợp lý. Chẳng ai làm giàu thành công nếu tối ngày ăn uống, la cà quán bar tán dóc với bạn bè và chạy theo những xu hướng công nghệ. Nếu không vạch ra một kế hoạch chi tiêu hợp lý thì sẽ chẳng mấy chốc mà tiêu hết tiền lương của mình. Vấn đề ở đây là, hãy lên danh sách những thứ cần mua, cần chi tiêu trong tháng, số dư còn lại hãy bỏ vào sổ tiết kiệm. Tâm lý nhiều người là khi nhận lương thường chi tiêu vào các khoản tiền khác sau đó dư được bao nhiêu thì tiết kiệm. Như vậy, nếu tháng đó bạn lỡ tay tiêu quá số tiền thì chắc chắn khoản tiết kiệm sẽ bằng 0. Ông cũng thường nói với các con của mình: “Chỉ có tiết kiệm mới mang lại sự giàu sang cho bản thân và cho chính đất nước mình. Đừng tiêu vào những thứ vô bổ, hãy đầu tư vào những thứ các con thực sự cần và có ích. Nếu các con muốn giàu, hãy cân nhắc và tính toán như một nhà kinh tế đích thực trong mọi việc”.
Không chỉ dạy con sống tiết kiệm, giản dị, Warren còn dạy con cách sống theo đam mê, thành công và thất bại theo cách riêng của chúng. Phong cách quản lý của ông cũng giống như cách ông sống. Trong kinh doanh, khi nhận ra một người quản lý giỏi, ông nói: “Tôi tin bạn” và sau đó để người ấy làm việc một mình. Kinh nghiệm là tất cả mọi thứ. Khi bạn vấp ngã và tự đứng dậy, bạn sẽ hiểu bản thân mình hơn. Chính vì cách giáo dục này mà các con của Warren Buffett hiểu rằng, nếu tin cha sẽ ra tay cứu giúp mỗi khi mình gặp rắc rối về tài chính thì sẽ làm suy yếu bất cứ thành công nào mà mình đạt được. Warren Buffett không để con trông chờ vào tài sản thừa kế, ông tuyên bố sẽ giành 99% tài sản của mình để làm từ thiện. Theo xếp hạng những nhà từ thiện hào phóng nhất năm 2014 của Wealth-X, Warren Buffett đứng vị trí số 1 khi quyên góp khoản từ thiện lớn lên tới 2,1 tỷ USD cho quỹ từ thiện của vợ chồng tỷ phú Bill Gates.

Giàu có nhưng giản dị, Warren Buffett là tấm gương đáng để giới trẻ học tập. Hãy sống theo đam mê, lao động và làm việc hết mình để đạt được thành công trong cuộc sống.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Back to top!