Người giàu chú trọng vào tổng tài sản
Thước đo của sự giàu có là tổng tài sản, chứ không phải là thu nhập từ việc làm của bạn. Trước kia như vậy và sau này cũng mãi như vậy. Tổng tài sản là giá trị tài chính của mọi thứ mà bạn đang sở hữu. Để xác định tổng tài sản bạn hãy cộng tất cả những tài sản mà bạn có bao gồm tiền mặt và các khoản đầu tư như cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản, giá trị hiện tại của doanh nghiệp của bạn (nếu có), giá trị ngôi nhà bạn đang ở nếu bạn là chủ sở hữu, rồi sau đó đem trừ đi toàn bộ các khoản nợ của bạn. Tổng tài sản là thước đo tuyệt đối và chính xác nhất của sự giàu có, bởi vì nếu cần, những gì bạn sở hữu có thể quy đổi thành tiền mặt.
Thu nhập từ việc làm là một yếu tố quan trọng, nhưng đó chỉ là một trong bốn yếu tố làm nên tổng tài sản của bạn. Bốn yếu tố là:
1. Thu nhập
2. Tiền tiết kiệm
3. Các khoản đầu tư
4. Sự "đơn giản hóa"
Thu nhập tồn tại dưới hai hình thức: thu nhập từ việc làm và thu nhập thụ động. Thu nhập từ việc làm là số tiền bạn kiếm được từ lao động thực tế, thu nhập này đòi hỏi bạn phải bỏ ra thời gian và công sức. Đây là khoản thu nhập quan trọng, vì không có nó thì bạn hầu như không thể đến với ba yếu tố kia được. Dù đóng vai trò chủ chốt, nhưng thu nhập nàu cũng chỉ có giá trị một phần của toàn bộ phương trình tổng tài sản nêu trên.
Thu nhập thụ động là số tiền bạn kiếm được mà không phải thực sự bỏ sức lao động.
Các khoản tiết kiệm cũng là một thành phần thiết yếu của tổng tài sản. Bạn có thể kiêm được những khoản tiền lớn, nhưng nếu bạn không giữ lại được chút nào gì từ số tiền này, thì bạn sẽ không bao giờ trở nên giàu có.
Khi bắt đầu để dành được một phần kha khá trong thu nhập của mình, bạn có thể tiến tới giai đoạn tiếp theo là làm cho số tiền của bạn tăng lên thông qua các kênh đầu tư khác nhau. Nói chung, bạn càng thành công trong lĩnh vực đầu tư, thì số tiền bạn có càng tăng nhanh hơn và sản sinh ra một tài sản lớn hơn. Người giàu luôn dành thời gian và công sức để tìm hiểu về hoạt động đầu tư và nghiên cứu, phân tích các vụ đầu tư. Họ tự hào mình là một nhà đầu tư tuyệt vời, hay ít nhất là thuê được các nhà đầu tư tuyệt vời để giúp quản lý và đầu tư số tiền của họ.
Thành phần thứ tư trọng tổng tài sản của chúng ta là "chú ngựa đen" trên bàn cờ, bởi hiếm có người nhận ra tầm quan trọng của nó trong việc tạo nên sự thịnh vượng. Đó là thành phần "đơn giản hóa". Yếu tố này song hành với việc tiết kiệm tiền, nhờ đó bạn có thể chủ động tạo ra một cuộc sống mà bạn không cần tiêu tốn quá nhiều tiền. Bằng việc cắt giảm hợp lý các khoản phí sinh hoạt, bạn sẽ làm cho số tiền tiết kiệm của mình tăng lên và như thế số tiền trong quỹ để dành cho đầu tư cũng tăng theo.
Hãy lên kế hoạch kiểm soát từng đồng trong tổng tài sản của bạn. Bạn hãy lấy một tờ giấy trắng ghi tiêu đề "tổng tài sản" rồi hãy lập một biểu đồ đơn giản bắt đầu từ số 0 và kết thúc bằng con số mà bạn xem là tổng tài sản mục tiêu của mình. Sau đó, bạn ghi tổng tài sản hiện có của mình, rồi cứ mỗi ba tháng bạn lại điền vào đây con số về tổng tài sản mới của bạn. Có thể bạn sử dụng thay thế bằng phần mềm máy tính. Chỉ đơn giản vậy thôi. Nếu làm được như thế, bạn sẽ phát hiện ra mình đang ngày càng giàu lên. Tại sao? Bởi vì bạn sẽ theo dõi được tổng tài sản của mình, nghĩa là bạn đang chú tâm vào đó, và do chú tâm vào việc gì thì việc ấy sẽ mang lại kết quả, nên tổng tài sản của bạn sẽ tăng lên. Quy luật này cũng có thể áp dụng cho mọi lĩnh vực khác của cuộc sống: những gì bạn chú tâm và theo dõi ắt sẽ gia tăng.
Tôi khuyên bạn nên tìm kiếm và hợp tác với một nhà hoạch định tài chính giỏi - người có thể giúp xây dựng và theo dõi tổng tài sản của bạn. Bạn không cần phải tiếp thu tất cả những gì nhà hoạch định tài chính của bạn nói và xem đó như một cẩm nang quản lý và phát triển tài sản, bạn chỉ cần họ cung cấp cho bạn những công cụ, phần mềm, kiến thức, những đề xuất giúp bạn xây dựng thói quen đầu tư có khả năng sinh lời cao hơn. Bằng cách đó. bạn có thể khám phá ra nhiều chi tiết thú vị về các phương án đầu tư khác nhau, từ đó quyết định xem phương án nào phù hợp với bạn nhất.
(Trích bí mật tư duy triệu phú)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét